Tiết kiệm là điều mà ai trong chúng ta cũng đều được khuyên trong quản lý tài chính. Chúng ta thường được khuyên rằng, việc chi tiêu không kiểm soát là một điều rất tai hại, có thể ảnh hưởng đến khả năng duy trì cuộc sống bình thưởng, đặc biệt là với những người có thu nhập thấp đến trung bình.
Thế nhưng, có phải chăm chăm vào việc tiết kiệm sẽ mang lại kết quả tốt? Nhiều người khuyên rằng, cứ tiêu ít nhất có thể thì sẽ tiết kiệm tiền hiệu quả. Quan niệm này là hoàn toàn sai lầm và đôi khi còn gây hoang phí hơn.
Nếu bạn cảm thấy mình luôn đặt nỗ lực tiết kiệm mỗi ngày nhưng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn, thì rất có thể, bạn đang gặp phải 7 sai lầm dưới đây:
- Không đặt mục tiêu tiết kiệm
Muốn tiết kiệm thành công thì hãy đặt ra một mục tiêu rõ ràng cho bản thân. Việc đặt mục tiêu nghe có vẻ trừu tượng nhưng thực tế lại vô cùng cần thiết để giúp bạn có một chiến lược và kế hoạch “chuẩn”. Thế nên, đừng bao giờ xem thường công đoạn này.
Đặt ra một con số cụ thể cho mình vào mỗi ngày, mỗi tháng và mỗi năm. Hãy bắt đầu với việc dư ra 1 triệu/tháng hay 20 triệu/năm. Những khoản tiền nhỏ này tạo cho bạn động lực tiết kiệm nhiều hơn, rồi từ từ hẵng tiến lên các kế hoạch 3 năm, 5 năm, mua nhà, mua xe…
- Du di “chỉ nốt lần này nữa thôi”
Khi có sẵn một khoản tiền tiết kiệm để đó, rất dễ khiến chúng ta có cảm giác dư dả dẫn đến việc “vung tay quá tráng”. Những tâm lý như “đi ăn sang nốt lần này nữa thôi”, “mua nốt chiếc áo này nữa thôi”, “ăn chơi nốt hôm nay thôi”,….Cứ như thế, những từ “nốt” ấy mỗi tuần, mỗi tháng đều sẽ xuất hiện và ăn lẹm vào khoản tiền tiết kiệm của bạn. Bạn biết đó, đã có lần đầu tiên, thì những lần thứ hai, thứ ba chỉ là vấn đề của thời gian mà thôi!
Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể thử cài đặt chương trình tiết kiệm cho tài khoản ngân hàng online. Theo đó, mỗi tháng khi lương về sẽ tự động được chuyển vào quỹ tích trữ trong tài khoản của bạn, tránh cho bạn tưởng mình đang giàu có mà tiêu hoang.
- Tiết kiệm, tiết kiệm và tiết kiệm
Chúng ta, đặc biệt là những người trẻ, thường ưa thích trải nghiệm và khám phá nên việc “thắt lưng buộc bụng” chi tiêu thấp nhất có thể rất khó thực hiện được. Mà nếu có thực hiện được thì cũng khó duy trì trong dài hạn, bởi việc này cơ bản là một giải pháp nhất thời. Việc “thắt lưng buộc bụng” này sẽ bào mòn cảm hứng và tinh thần chúng ta. Cuộc sống của bạn sẽ bị vây quanh bởi sự tù túng và kham khổ. Và về lâu dài, sự bức bối, mệt mỏi sẽ đánh bại kế hoạch tiết kiệm của bạn.
Bên cạnh đó, việc dành ra quá nhiều thời gian để suy nghĩ về việc tiết kiệm cũng là một sự lãng phí. Trong kinh tế học, có một khái niệm gọi là”chi phí cơ hội”. Giả sử bạn chọn tiết kiệm bằng cách đi đến cửa hàng xa hơn để mua được sản phẩm với giá rẻ hơn, 30.000 đồng chẳng hạn. Thế nhưng bạn lại không nghĩ đến khoảng thời gian mà bạn bỏ ra để đi đến cửa hàng đó. Chi phí cơ hội ở đây là việc bạn chọn tiết kiệm 30.000 đồng thay vì dành 1 giờ đồng hồ di chuyển để làm việc khác giúp bạn kiếm thêm con số nhiều hơn 30.000 đồng này. Việc đặt nặng việc tiết kiệm có thể làm cho tầm nhìn của bạn hạn hẹp hơn.
Do vậy, thay vì lập một kế hoạch giảm chi tiêu tối đa và khiến bản thân mau nản chí, thì bạn nên phân chia hợp lý tỷ lệ “tiêu xài/tiết kiệm” tuỳ vào thu nhập hàng tháng và các nhu cầu cấp thiết của mình.
Hãy nhớ, bạn phải đảm bảo được tính khả thi và trong tầm kiểm soát được. Con số có thể là 6/4, 7/3 hay 8/2 hoặc thậm chí 9/1. Tuy nhiên, tuyệt đối đừng để tỷ lệ này là 10/10, làm đến đâu tiêu hết đến đó, bạn nhé!
- Cắt phăng khoản chi cho cảm xúc
Khoản chi cho cảm xúc với mỗi người ở đây là khác nhau. Đó có thể là khoản chi cho một ly Starbuck mỗi sáng, cũng có thể là khoản chi cho một buổi hòa nhạc mỗi cuối tuần,…Tóm lại, là những khoản chi khiến bạn thoải mái và hạnh phúc.
Thừa nhận rằng việc làm đồ uống hay nghe giao hưởng tại nhà sẽ giúp chúng ta tiết kiệm một khoản lớn. Nhưng đây không phải là vấn đề của một ly café hay một bản nhạc, mà đây là cách chúng ta chăm lo cho cảm xúc của bản thân, giữ cảm hứng và nạp năng lượng cho một ngày làm việc chăm chỉ.
Chi tiêu kham khổ chưa bao giờ là một lời khuyên tài chính đúng đắn, quan trọng là chi tiêu thông minh để kiếm được nhiều hơn. Nếu một ly café có thể giúp bạn làm việc hiệu quả hơn, thì đừng cắt phăng chúng đi nhé!
- Bị chi phối bởi những chiếc voucher/mã giảm giá
Việc tiết kiệm được một khoản tiền nhờ các phiếu giảm giá là một hình thức mua hàng được xem là khá thông minh trong thời buổi hiện đại. Tuy nhiên, nếu thử suy nghĩ một chút, bạn sẽ nhận ra rằng, các hình thức này được các công ty đưa ra dựa trên các nghiên cứu làm sao để đánh vào lòng tham của con người.
Giả dụ như bạn đang ngồi lướt web đọc báo và bỗng đập vào mắt là thông tin giảm giá vô cùng hấp dẫn về một chuyến du lịch có giá cả chục triệu nay chỉ còn chưa tới 5 triệu. Bạn quyết định bấm mua và thanh toán ngay một cách không chần chừ, dù là trước đó bạn không hề có ý định đi du lịch.
Có một sự thật là phiếu giảm giá hay voucher dễ khiến chúng ta bị tâm lý giá hời mà xa đà vào việc mua sắm hay chi tiêu nhiều thứ không cần thiết. Vì thế, trước khi các bạn quyết định mua hàng giảm giá, thì hãy tỉnh táo nghĩ xem, nếu mặc hàng đó không được giảm giá hay khuyến mãi thì bạn có cần đến nó hay không? Bạn sẽ dùng nó vào việc gì? Có nhất thiết phải mua nó hay không?
Nếu bạn không thể xác định rõ nhu cầu của mình, thì dù bạn có đâm đầu vào tiết kiệm, cũng khó mà giữ được tiền.
- Quá bận tâm đến giá cả sản phẩm
Mọi người thường cho rằng, cách tốt nhất để tiết kiệm là săn lùng những món đồ có giá bèo, việc này đôi khi cũng có ít. Song, chìa khóa thật sự của tiết kiệm, là mua những thứ có giá trị tốt. Việc quá bận tâm đến giá cả là sai lầm trong tư duy của những người nghèo.
“Tiền nào của nấy” là câu nói nhắc nhở chúng ta sự liên quan giữa giá cả và chất lượng. Chúng ta thường nghĩ tới cái lợi trước mắt, là làm sao để mua được sản phẩm với giá rẻ nhất. Nhưng, việc chúng ta mua hàng mà không quan tâm đến chất lượng và thời hạn sử dụng sản phẩm thì không phải là chi tiêu thông minh. Món đồ mà các bạn tưởng mua được với giá hời có thể hoàn toàn khiến bạn nhanh chóng thất vọng vì chất lượng kém hoặc nhanh để thay thế.
Nếu một sản phẩm có chất lượng tốt và thời gian sử dụng dài thì sẽ tốt hơn sản phẩm giá rẻ mà kém chất lượng. Ví dụ, khi bạn mua một chiếc áo chẳng hạn, bạn sẽ thấy chiếc áo chỉ có giá là 79.000 đồng, việc mua chúng sẽ giúp bạn tiết kiệm một khoản là 221.000 đồng so với việc lựa chọn một chiếc áo giá 300.000 đồng. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, chiếc áo khiến bạn thất vọng vì bị xù vải. Trong khi đó, với chiếc áo 300.000 đồng, nghe có vẻ là đắc, thế những chất lượng lại tốt hơn rất nhiều. Thêm vào đó, một bộ trang phục tốt còn giúp bạn tự tin hơn khi xuất hiện.
Vì vậy, khi mua sắm, đừng quá chú trọng đến giá cả. Hàng hóa phải có chất lượng tốt, thì mới hạn chế được việc thay đổi đồ mới, gây tốn kém hơn nữa về sau.
Trên đây là những chia sẻ của tôi về những sai lầm rất có thể bạn đang mắc phải khiến kế hoạch tiết kiệm của bạn cứ “bể” liên tục.
Nếu bạn thấy những thông tin trên có giá trị, hãy để lại một comment cho tôi biết cảm nhận của bạn và đừng quên chia sẻ để nhiều người cùng biết đến.
Nếu bạn cần bất kỳ sự hỗ trợ nào về marketing, đừng quên follow Eroca Thanh qua các kênh sau:
Facebook: https://www.facebook.com/ErocaThanhProfile
Fanpage: https://www.facebook.com/erocathanhoffical/
Website: https://www.erocathanh.com/
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCmiuNkxvJpRrzOZ9BLe0rfQ