PHƯƠNG PHÁP SMART ĐẶT MỤC TIÊU HIỆU QUẢ

Liệu bạn có bao giờ gặp rắc rối với chính những mục tiêu mà mình đã đề ra? Bạn từng đạt mục tiêu quá cao và rồi không thực hiện được, khiến bạn chán nản, thất vọng não nề? Bạn từng đặt mục tiêu quá thấp khiến bạn chẳng có chút động lực nào để phấn đấu? Hoặc thậm chí, bạn chưa từng đặt ra bất kỳ mục tiêu nào mà cứ để cho dòng đời xô đẩy, xuôi theo chiều gió?

Nếu bạn đã hoặc đang là nhân vật chính trong những vấn đề trên, thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé!

Tại sao bạn cần có mục tiêu trong đời?

Cuộc sống không mục tiêu chẳng khác nào một hành trình không có điểm đến xác định. Mọi chuyện có rõ ràng thì mới dễ dàng. Phải biết rất rõ điều mình muốn thì mới đạt được kết quả mong đợi. Nếu bạn không luôn mang trong mình danh sách của những mục tiêu mà bạn đang theo đuổi thì rất khó để bạn có một tương lai như bạn mơ ước. Cho dù bạn là một người tài giỏi, thiện xạ bắn đâu trúng đó, nhưng nếu bị bịt mắt thì liệu bạn có bắn trúng đích? Câu trả lời là không. Làm sao bạn có thể đạt được cái bạn không thấy hoặc không muốn? Đó là lý do bạn cần những mục tiêu trong mọi khía cạnh cuộc sống. Vậy làm sao để đặt mục tiêu cho “chuẩn”? SMART sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.

Nguyên tắc SMART là gì?

Nguyên tắc SMART còn gọi là nguyên tắc THÔNG MINH giúp định hình và nắm giữ mục tiêu của bạn trong tương lai; qua đó, bạn sẽ xác định những khả năng mà mình có thể làm được và xây dựng kế hoạch cụ thể để hiện thực hóa những mục tiêu đó.

SMART còn được hiểu một cách chính xác hơn là viết tắt của 5 chữ cái đầu trong 5 từ tiếng anh, mỗi từ là một tiêu chí để đánh giá mục tiêu, cụ thể:

  • S – Specific : Cụ thể, dễ hiểu.
  • M – Measurable : Đo lường được
  • A – Attainable : Có thể đạt được
  • R – Relevant : Thực tế
  • T – Time-Bound : Thời gian hoàn thành

SPECIFIC

Thường khi đặt mục tiêu, chúng ta thường đặt những thứ rất chung chung, khó hình dung như trở thành người thành công, giàu có, vĩ đại,…Tuy nhiên, những mục tiêu như thế này thì rất khó để đạt được. Bởi chúng ta chưa có những khái niệm cụ thể rằng thế nào là thành công, giàu có hay vĩ đại.

Do đó, bạn cần tập trung vào những cái cụ thể hơn thay vì những thứ mơ hồ. Ví dụ như: năm nay tôi sẽ tiết kiệm được 50 triệu, tháng này tôi sẽ đứng Top 3 trong trường,…

Để có được tính cụ thể, bạn phải trả lời cho các dạng câu hỏi: Bạn muốn đạt được thành tích gì? Muốn có thu nhập ra sao? Muốn doanh số tăng như thế nào?

MEASURABLE

Liệu mục tiêu của bạn có con số nào cụ thể để đo lường được hay có một công cụ nào đó để theo dõi tiến độ được hay không? Nghĩa là mục tiêu phải được gắn liền với những con số. Nguyên tắc Smart chắc chắn tham vọng của bạn có sức nặng, cụ thể là có thể cân, đo, đong, đếm được. Chúng ta biết được chính xác những gì mình cần đạt được là những gì, bao nhiêu.

Câu hỏi bạn có thể tham khảo khi thực hiện tiêu chí này: Con số cụ thể là bao nhiêu? (bao nhiêu điểm, phần trăm, khách hàng, dự án,…).

ATTAINABLE

Tính khả thi cũng là một yếu tố rất quan trọng khi ta đưa ra một mục tiêu. Nghĩa là chúng ta phải suy nghĩ về khả năng, năng lực bản thân trước khi đề ra một chỉ tiêu quá xa vời còn nếu không muốn bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng như vậy không có ý nghĩa là bạn chỉ lập cho mình một mục tiêu đơn giản và dễ dàng vì sẽ làm cho bạn không cảm thấy thích thú và được thách thức. Bạn có thể đặt mục tiêu cao hơn khả năng mình một ít và ra sức nỗ lực trong quá trình thực hiện.

Các câu hỏi cần đặt ra là: Có khả thi không? Mục tiêu có quá thấp/quá cao so với năng lực của mình không? Trước mình đã có ai đạt được mục tiêu này hay chưa?,…

RELEVANT

Mục tiêu bạn xây dựng cũng không nên quá xa vời so với thực tế. Bạn hoàn toàn có thể áp dụng đủ các nguồn lực của mình để đảm bảo chúng sẽ đi đến nơi cần phải đến. Để làm được điều này, chúng ta hãy ngồi tính toán xem khả năng, vật chất, quỹ thời gian, nguồn hỗ trợ…xem có thực hiện được ý định không.

Chẳng hạn, nếu bạn chỉ là một người mới ra kinh doanh năm đầu tiền, chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng lại đặt mục tiêu kiếm được vài chục tỷ, thì đây được xem là thiếu tính thực tế vì nó quá lớn lao, xa vời.

Hãy tự hỏi xem liệu mục tiêu ấy có phù hợp với tình hình thực tế không? Cạnh tranh có quá khốc liệt không?,…

TIME- BOUND

Cuối cùng, bạn cần tạo cho mình những thời gian, thời hạn cụ thể cho từng mục tiêu – bạn hãy giới hạn cho mục tiêu của mình trong thời gian là bao lâu ví dụ như trong 1 tuần, 1 tháng hay 1 năm. Khoảng thời hạn này nên được xem xét hợp lý dựa trên tình hình cụ thế. Bởi nếu đặt quá dài thì sẽ dễ khiến bạn ỷ lại, lười biếng. Hay quá ngắn, sẽ gây áp lực khiến tiến trình không hiệu quả. Ví dụ, bạn không thể đặt mục tiêu giảm 20 kg trong vòng một tuần, vì đây là một thời hạn không khả thi.

Nguyên tắc là mục tiêu nhỏ tương ứng với thời gian ngắn và mục tiêu lớn hơn tương ứng với thời gian dài. Bằng cách này, chúng ta sẽ hoàn thành nhanh và đúng hạn hơn.

Tương tự, câu hỏi dành cho bạn là: Thời hạn hoàn thành là bao lâu? Thời hạn đó có hợp lý chưa?

Ví dụ về cách đặt mục tiêu SMART

Giả dụ nếu như bạn đặt mục tiêu là: GIẢM CÂN, vậy đây được xem là một mục tiêu KHÔNG SMART ở tất cả mọi yếu tố. 

  • Một, không cụ thể (ai giảm cân?giảm khi nào? giảm bộ phận nào?,…)
  • Hai, không đo lường được (giảm bao nhiêu cân?)
  • Ba, tính khả thi chưa xác định.
  • Bốn, tính thực tế chưa xác định.
  • Năm, thời hạn chưa xác định.

Và đây là cách khiến mục tiêu trên trở nên SMART: 

Tôi đặt mục tiêu trong vòng 2 tháng (time- bound) kể từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/3/2021 sẽ giảm được 7 kg (measurable) theo phương pháp Intermittent Fasting (specific) kết hợp với việc luyện tập ít nhất 4 buổi/ tuần (attainable) tại phòng tập thể hình. Cụ thể hơn, tháng thứ nhất tôi sẽ giảm 3kg và tháng thứ 2 tôi sẽ giảm 4kg (relevant).

Sau khi hết 2 tháng, bạn có thể đánh giá được mức độ hoàn thành trong việc giảm cân của mình.

Một điểm cần lưu ý, trước khi đặt bất kỳ mục tiêu gì, hãy luôn tự đặt câu hỏi TẠI SAO? Tại sao việc này quan trọng với bạn? Tại sao bạn nhất quyết phải thực hiện mục tiêu này? Khi bạn đào sâu vào gốc rễ vấn đề, bạn mới có được nhiều động lực cho việc thực hiện. Trường hợp nếu đến cuối cùng, bạn vẫn không biết lý do tại sao mình cần mục tiêu này, thì tốt nhất là nên dừng lại và xây dựng mục tiêu khác có ý nghĩa hơn.

Trên đây là những chia sẻ của Eroca Thanh về 5 yếu tố để đặt mục tiêu theo phương pháp SMART. Hy vọng bạn có thể áp dụng SMART cho công việc, các dự định cá nhân khác và chia sẻ cho nhiều người biết hơn.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung trên, hãy để lại một comment để tôi có thể giúp bạn giải đáp.

Bạn có thể tìm thấy tôi qua các kênh:

Facebook: https://www.facebook.com/ErocaThanhProfile

Fanpage: https://www.facebook.com/erocathanhoffical/

Website: https://www.erocathanh.com/

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCmiuNkxvJpRrzOZ9BLe0rfQ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *