4 GIÂY – 2 PHÚT – 72 GIỜ – 21 NGÀY: 4 CON SỐ THẦN KỲ GIÚP BẠN CHIẾM LĨNH MỌI MỤC TIÊU

Liệu bạn đã từng đặt ra một kế hoạch tỉ mỉ nhưng rồi thời gian trôi qua, bạn nhìn lại thì thấy những kế hoạch đó vẫn nằm yên trên giấy và chỉ còn một chút mơ hồ trong đầu? Bạn cảm thấy thất vọng với bản thân mình, nhưng sau đó không lâu, lại “ngựa quen đường cũ”, mãi rơi vào một vòng xoáy quyết tâm, mất động lực, cuối cùng là từ bỏ?

Nhưng “nếu đủ chăm chỉ, quyết đoán, biết dùng trí tuệ và trí tưởng tượng của mình, bạn có thể định hình cả thế giới” (Malcolm Gladwell).

Vì vậy, nếu từ hôm nay, bạn đã hạ quyết tâm thay đổi và loại bỏ sự trì trệ độc hại này ngay lập tức, làm chủ cuộc sống và đạt được mục tiêu của mình, thì đây là “4 giây- 2 phút- 72 giờ- 21 ngày” là công thức thần kỳ dành riêng cho bạn.

Quy luật 4 giây

Hãy hít thở thật chậm, thật sâu trước khi bạn bắt tay làm một việc gì hay đưa ra một quyết định quan trọng nào đó trong cuộc đời.

Tại sao việc này lại quan trọng? Đó chính là nghệ thuật tự kiểm soát. 

Trong cuộc sống, dù ở giai đoạn nào, chúng ta sẽ luôn đối mặt với những quyết định quan trọng. Mà quan trọng sẽ đi kèm với một áp lực nhất định. Hít thở sâu sẽ tránh cho bạn đưa ra những quyết định vội vã và mang lại cho bạn thời gian để đánh giá khả năng kết quả của mỗi hành động.

Bên cạnh đó, chúng ta thường có xu hướng thực hiện một việc khi chúng ta không muốn làm hay không biết làm. Và tất yếu, việc trì hoãn quá lâu sẽ khiến cho công việc đó không bao giờ được hoàn thành và có kết quả. Cho đến khi bắt buộc phải đưa ra quyết định, chúng ta sẽ có những lựa chọn không thấu đáo dẫn đến nhiều sự tiếc nuối về sau.

Quy tắc 4 giây cho rằng: Khi chúng ta bắt đầu muốn đưa ra một quyết định hay thực hiện một hành động vội vàng, hãy hít thở thật chậm và sâu trong vòng 4 giây để nhịp tim được điều hòa, oxy được đưa lên não, giúp chúng ta bình tĩnh trở lại và đưa ra những quyết định sáng suốt hơn, hạn chế sự rủi ro hay sai lầm trong thời gian quá gấp rút

Quy luật 2 phút

Nếu như một việc chỉ mất chưa đến 2 phút để hoàn thành, hãy thực hiện nó ngay lập tức mà không chần chừ gì.

Trong công việc và cuộc sống, mỗi ngày chúng ta sẽ có kha khá những nhiệm vụ nho nhỏ phải hoàn thành, chẳng hạn như gọi một cuộc điện thoại cho đối tác, gửi một email phản hồi thông tin cho khách hàng,…. Đa số chúng ta có xu hướng ưu tiên làm những việc tốn nhiều thời gian hơn đầu tiên, còn những việc nhỏ chỉ mất tầm vài phút để hoàn thành, ta lại thường trì hoãn đến cuối cùng. Lý do của việc trì hoãn này là bởi suy nghĩ rằng đây là việc dễ, lúc nào làm mà chả được. Nhưng cũng vì suy nghĩ đó, một khi đã để lỡ thời gian do trì hoãn, bạn sẽ không làm được chúng nữa. Thế nên, nếu có một công việc chưa mất đến 2 phút để hoàn tất, đừng chần chờ gì mà hãy thực hiện ngay đi!

Bên cạnh đó, nếu nhìn xa hơn, quy tắc này cũng giúp bạn đạt được những mục tiêu dài hạn. Giả dụ như, có một quyển sách dài hơn 1000 trang, rất có khả năng bạn sẽ ngán ngẩm độ “dài và dày” này mà từ bỏ việc đọc nó. Nhưng, việc này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn chia nhỏ quyển sách ra, dành thời gian 2 phút để đọc 1-2 trang sách mỗi ngày. Và không lâu sau đó, bạn cũng hoàn thành nốt quyển sách dày cộm mà bạn từng nghĩ là sẽ không bao giờ mình chạm đến. Quy tắc 2 phút, theo đó, cho phép bạn hoàn thành những mục tiêu nhỏ để tiến tới những mục tiêu lớn dài hạn ngay từ hôm nay.

Quy luật 72 giờ

Nếu bạn có một ý tưởng hay một ý định mới, hãy bắt tay vào thực hiện chúng trong vòng 72 giờ (tức 3 ngày).

Bodo Schaefer, nhà văn, doanh nhân và diễn giả người Đức cho rằng, quy tắc này sẽ giúp chúng ta loại bỏ thói quen trì hoãn. Ông nói: “Đừng bao giờ trì hoãn một kế hoạch quá 72 giờ. Vượt qua cột mốc đó, ý tưởng của bạn sẽ chỉ mãi là ý tưởng mà thôi”. 

Theo các nghiên cứu, 72 giờ là khoảng thời gian niềm hứng khởi ban đầu của bạn ở mức độ tốt nhất. Qua cột mốc này, niềm hứng khởi sẽ giảm xuống và những ý tưởng trong đầu bạn sẽ dần trôi bớt đi. Chính vì thế, 72 giờ chính là khoảng thời gian lý tưởng cho việc thực hiện những ý tưởng và kế hoạch đã có sẵn trong đâu bạn.

Hãy bắt tay làm ngay và cũng đừng lên kế hoạch nếu chúng kéo dài quá 72 giờ. Bởi vì, nếu quá thời gian đó, những kế hoạch, hoặc là ở trong đầu bạn, hoặc là ở trên giấy mà thôi.

Quy luật 21 ngày

Nếu bạn làm một việc lặp đi lặp lại trong vòng 21 ngày liên tục, bạn sẽ tạo ra một thói quen mới.

Khi bạn muốn đặt được một mục tiêu nào đó, bạn phải biến các hành động thành thói quen hàng ngày. Có những thói quen thoạt nhìn cứ tưởng rất dễ dàng để thiết lập, như chạy bộ mỗi ngày, thiền, dinh dưỡng,…nhưng nếu như không bắt tay vào thực hiện và duy trì thực hiện một cách đều đặn, thì thói quen, dù đơn giản đến mấy, cũng không bao giờ trở thành thói quen của bạn.

21 ngày liên tiếp đã được chứng minh là khoảng thời gian mà chúng ta bắt đầu hình thành và một thói quen mới vào cuộc sống của mình. Giả dụ như, bạn muốn hình thành thói quen dậy sớm, hãy đặt cho mình mục tiêu thức dậy lúc 6 giờ sáng mỗi ngày mà không tìm “cớ” để chối bỏ việc này trong 21 ngày liên tục. Và đến ngày 22, bạn sẽ tự động làm được việc này mà không cần bất cứ sự nỗ lực nào.

Trong những ngày đầu tiên, bạn sẽ cần rất nhiều nỗ lực. Nhưng một khi đã quen dần với nó, bạn sẽ cảm thấy điều này như một phần cuộc sống.

4 giây- 2 phút- 72 giờ- 21 ngày, nếu cứ chăm chỉ luyện tập và rèn luyện với những mục tiêu nho nhỏ, các bạn dần dần sẽ đạt được những mục tiêu lớn hơn về lâu dài. 

Liệu các bạn đã từng nghe nói đến con số 10000 giờ- con số đã được Malcolm Gladwell đề cập trong cuốn sách Những kẻ xuất chúng, con số góp phần vào thành công của hầu hết các doanh nhân, triệu phú trên thế giới? 

10000 giờ là khoảng thời gian mà chúng ta cần để thực sự thành thạo một kỹ năng và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình 10000 giờ tương ứng với 10 năm. Nếu như nhìn vào tổng thể, đó là một khoảng thời gian rất dài nhưng nếu cứ tiếp tục chia nhỏ mục tiêu, thì sau 10 năm tích lũy, bạn sẽ sở hữu một con số không hề nhỏ những kiến thức, kỹ năng, và thói quen tốt giúp ích cho công việc và cuộc sống của bạn.

Trên đây là những chia sẻ của Tôi về 4 con số vàng có thể giúp bạn đạt được mọi mục tiêu và loại bỏ thói quen trì hoãn tai hại. Tôi tin rằng, việc áp dụng công thức trên có thể làm thay đổi cuộc sống của bạn nếu bạn nghiêm túc thực hiện.

 

SMART LÀ GÌ? ĐẶT MỤC HIỆU QUẢ VỚI PHƯƠNG PHÁP SMART?

Liệu bạn có bao giờ gặp rắc rối với chính những mục tiêu mà mình đã đề ra? Bạn từng đạt mục tiêu quá cao và rồi không thực hiện được, khiến bạn chán nản, thất vọng não nề? Bạn từng đặt mục tiêu quá thấp khiến bạn chẳng có chút động lực nào để phấn đấu? Hoặc thậm chí, bạn chưa từng đặt ra bất kỳ mục tiêu nào mà cứ để cho dòng đời xô đẩy, xuôi theo chiều gió?

Nếu bạn đã hoặc đang là nhân vật chính trong những vấn đề trên, thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé!

Tại sao bạn cần có mục tiêu trong đời?

Cuộc sống không mục tiêu chẳng khác nào một hành trình không có điểm đến xác định. Mọi chuyện có rõ ràng thì mới dễ dàng. Phải biết rất rõ điều mình muốn thì mới đạt được kết quả mong đợi. Nếu bạn không luôn mang trong mình danh sách của những mục tiêu mà bạn đang theo đuổi thì rất khó để bạn có một tương lai như bạn mơ ước. Cho dù bạn là một người tài giỏi, thiện xạ bắn đâu trúng đó, nhưng nếu bị bịt mắt thì liệu bạn có bắn trúng đích? Câu trả lời là không. Làm sao bạn có thể đạt được cái bạn không thấy hoặc không muốn? Đó là lý do bạn cần những mục tiêu trong mọi khía cạnh cuộc sống. Vậy làm sao để đặt mục tiêu cho “chuẩn”? SMART sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.

Nguyên tắc SMART là gì?

Nguyên tắc SMART còn gọi là nguyên tắc THÔNG MINH giúp định hình và nắm giữ mục tiêu của bạn trong tương lai; qua đó, bạn sẽ xác định những khả năng mà mình có thể làm được và xây dựng kế hoạch cụ thể để hiện thực hóa những mục tiêu đó.

SMART còn được hiểu một cách chính xác hơn là viết tắt của 5 chữ cái đầu trong 5 từ tiếng anh, mỗi từ là một tiêu chí để đánh giá mục tiêu, cụ thể:

  • S – Specific : Cụ thể, dễ hiểu.
  • M – Measurable : Đo lường được
  • A – Attainable : Có thể đạt được
  • R – Relevant : Thực tế
  • T – Time-Bound : Thời gian hoàn thành

SPECIFIC

Thường khi đặt mục tiêu, chúng ta thường đặt những thứ rất chung chung, khó hình dung như trở thành người thành công, giàu có, vĩ đại,…Tuy nhiên, những mục tiêu như thế này thì rất khó để đạt được. Bởi chúng ta chưa có những khái niệm cụ thể rằng thế nào là thành công, giàu có hay vĩ đại.

Do đó, bạn cần tập trung vào những cái cụ thể hơn thay vì những thứ mơ hồ. Ví dụ như: năm nay tôi sẽ tiết kiệm được 50 triệu, tháng này tôi sẽ đứng Top 3 trong trường,…

Để có được tính cụ thể, bạn phải trả lời cho các dạng câu hỏi: Bạn muốn đạt được thành tích gì? Muốn có thu nhập ra sao? Muốn doanh số tăng như thế nào?

MEASURABLE

Liệu mục tiêu của bạn có con số nào cụ thể để đo lường được hay có một công cụ nào đó để theo dõi tiến độ được hay không? Nghĩa là mục tiêu phải được gắn liền với những con số. Nguyên tắc Smart chắc chắn tham vọng của bạn có sức nặng, cụ thể là có thể cân, đo, đong, đếm được. Chúng ta biết được chính xác những gì mình cần đạt được là những gì, bao nhiêu.

Câu hỏi bạn có thể tham khảo khi thực hiện tiêu chí này: Con số cụ thể là bao nhiêu? (bao nhiêu điểm, phần trăm, khách hàng, dự án,…).

ATTAINABLE

Tính khả thi cũng là một yếu tố rất quan trọng khi ta đưa ra một mục tiêu. Nghĩa là chúng ta phải suy nghĩ về khả năng, năng lực bản thân trước khi đề ra một chỉ tiêu quá xa vời còn nếu không muốn bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng như vậy không có ý nghĩa là bạn chỉ lập cho mình một mục tiêu đơn giản và dễ dàng vì sẽ làm cho bạn không cảm thấy thích thú và được thách thức. Bạn có thể đặt mục tiêu cao hơn khả năng mình một ít và ra sức nỗ lực trong quá trình thực hiện.

Các câu hỏi cần đặt ra là: Có khả thi không? Mục tiêu có quá thấp/quá cao so với năng lực của mình không? Trước mình đã có ai đạt được mục tiêu này hay chưa?,…

RELEVANT

Mục tiêu bạn xây dựng cũng không nên quá xa vời so với thực tế. Bạn hoàn toàn có thể áp dụng đủ các nguồn lực của mình để đảm bảo chúng sẽ đi đến nơi cần phải đến. Để làm được điều này, chúng ta hãy ngồi tính toán xem khả năng, vật chất, quỹ thời gian, nguồn hỗ trợ…xem có thực hiện được ý định không.

Chẳng hạn, nếu bạn chỉ là một người mới ra kinh doanh năm đầu tiền, chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng lại đặt mục tiêu kiếm được vài chục tỷ, thì đây được xem là thiếu tính thực tế vì nó quá lớn lao, xa vời.

Hãy tự hỏi xem liệu mục tiêu ấy có phù hợp với tình hình thực tế không? Cạnh tranh có quá khốc liệt không?,…

TIME- BOUND

Cuối cùng, bạn cần tạo cho mình những thời gian, thời hạn cụ thể cho từng mục tiêu – bạn hãy giới hạn cho mục tiêu của mình trong thời gian là bao lâu ví dụ như trong 1 tuần, 1 tháng hay 1 năm. Khoảng thời hạn này nên được xem xét hợp lý dựa trên tình hình cụ thế. Bởi nếu đặt quá dài thì sẽ dễ khiến bạn ỷ lại, lười biếng. Hay quá ngắn, sẽ gây áp lực khiến tiến trình không hiệu quả. Ví dụ, bạn không thể đặt mục tiêu giảm 20 kg trong vòng một tuần, vì đây là một thời hạn không khả thi.

Nguyên tắc là mục tiêu nhỏ tương ứng với thời gian ngắn và mục tiêu lớn hơn tương ứng với thời gian dài. Bằng cách này, chúng ta sẽ hoàn thành nhanh và đúng hạn hơn.

Tương tự, câu hỏi dành cho bạn là: Thời hạn hoàn thành là bao lâu? Thời hạn đó có hợp lý chưa?

Ví dụ về cách đặt mục tiêu SMART

Giả dụ nếu như bạn đặt mục tiêu là: GIẢM CÂN, vậy đây được xem là một mục tiêu KHÔNG SMART ở tất cả mọi yếu tố. 

  • Một, không cụ thể (ai giảm cân?giảm khi nào? giảm bộ phận nào?,…)
  • Hai, không đo lường được (giảm bao nhiêu cân?)
  • Ba, tính khả thi chưa xác định.
  • Bốn, tính thực tế chưa xác định.
  • Năm, thời hạn chưa xác định.

Và đây là cách khiến mục tiêu trên trở nên SMART: 

Tôi đặt mục tiêu trong vòng 2 tháng (time- bound) kể từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/3/2021 sẽ giảm được 7 kg (measurable) theo phương pháp Intermittent Fasting (specific) kết hợp với việc luyện tập ít nhất 4 buổi/ tuần (attainable) tại phòng tập thể hình. Cụ thể hơn, tháng thứ nhất tôi sẽ giảm 3kg và tháng thứ 2 tôi sẽ giảm 4kg (relevant).

Sau khi hết 2 tháng, bạn có thể đánh giá được mức độ hoàn thành trong việc giảm cân của mình.

Một điểm cần lưu ý, trước khi đặt bất kỳ mục tiêu gì, hãy luôn tự đặt câu hỏi TẠI SAO? Tại sao việc này quan trọng với bạn? Tại sao bạn nhất quyết phải thực hiện mục tiêu này? Khi bạn đào sâu vào gốc rễ vấn đề, bạn mới có được nhiều động lực cho việc thực hiện. Trường hợp nếu đến cuối cùng, bạn vẫn không biết lý do tại sao mình cần mục tiêu này, thì tốt nhất là nên dừng lại và xây dựng mục tiêu khác có ý nghĩa hơn.

Trên đây là những chia sẻ của Eroca Thanh về 5 yếu tố để đặt mục tiêu theo phương pháp SMART. Hy vọng bạn có thể áp dụng SMART cho công việc, các dự định cá nhân khác và chia sẻ cho nhiều người biết hơn.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung trên, hãy để lại một comment để tôi có thể giúp bạn giải đáp.

Bạn có thể tìm thấy tôi qua các kênh:

Facebook: https://www.facebook.com/ErocaThanhProfile

Fanpage: https://www.facebook.com/erocathanhoffical/

Website: https://www.erocathanh.com/

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCmiuNkxvJpRrzOZ9BLe0rfQ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *