6 TƯ DUY VỀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN ĐỂ TIỀN SINH SÔI NẢY NỞ

Đa phần chúng ta chỉ nghĩ đến vấn đề quản lý tài chính khi đã có trong tay một số tiền nhất định. Điều này hoàn toàn là sai lầm.

Việc quản lý tài chính luôn cần được quan tâm dẫu cho thu nhập hàng tháng của bạn là vài triệu hay vài trăm triệu. 

Dưới đây là 06 tư duy về cách kiếm tiền và sử dụng tiền giúp tiền “đẻ” ra tiền mà bạn nên biết.

  1. Đầu tư vào tài sản thay vì tiêu sản

Tác giả Robert Kiyosaki đã dành hẳn một chương trong quyển sách Cha giàu Cha nghèo để viết về vấn đề này.

Theo đó, tài sản được hiểu là những thứ khi bạn sở hữu sẽ giúp cho thu nhập của bạn gia tăng, trong khi đó, tiêu sản là những thứ sau khi sở hữu bạn lại phải tốn thêm tiền đầu tư vào nó để khiến nó duy trì hoạt động. Có những thứ là tài sản với người này, nhưng lại là tiêu sản với người khác.

Hãy lấy một ví dụ đơn giản, bạn ao ước có một chiếc xe ô tô, bạn dành dụm tiết kiệm, thậm chí vay tiền để có được nó. Tuy nhiên, sau khi mua chiếc ô tô này, ngoài khoản nợ ngân hàng bạn phải trả trong một thời gian dài, thì bạn còn cần phải trả cho chính chiếc xe đó rất nhiều tiền để nó có thể hoạt động (tiền bảo hiểm, bảo dưỡng, xăng cộ, gửi xe, bãi đỗ xe, sửa chữa khi hư hỏng,…). Đứng dưới góc độ đầu tư, đây là một khoản đầu tư không sinh lời và hết sức sai lầm, đặc biệt là khi ta chưa dư dả về tiền bạc. Chiếc ô tô lúc này được xem là tiêu sản.

Hầu hết chúng ta xem ô tô là một loại tài sản bởi số tiền rất lớn mà chúng ta bỏ ra để sở hữu nó. Việc này cũng tương tự với nhà cửa, giày dép, quần áo hiệu. Tuy nhiên, những thứ này chỉ được xem là tài sản khi chúng mang lại thu nhập cho bạn.

Cũng là chiếc ô tô lúc nãy. Ví dụ như bạn mua nó ở một mức giá phù hợp với thu nhập và mua với mục đích thương mại (chạy taxi, chạy Grab, Uber,…). Và sau khi khấu trừ đi các khoản chi cần thiết để duy trì, chiếc ô tô này vẫn mang lại cho bạn lợi nhuận. Lúc bấy giờ, nó được xem là một loại tài sản.

Người giàu mua những vật phẩm sau cùng, trong khi người nghèo và tầng lớp trung lưu lại mua những thứ xa xỉ đầu tiên. Thế nên, nếu muốn giàu có, chúng ta hãy mua tài sản chứ đừng mua tiêu sản.

  1. Tiết kiệm không phải lúc nào cũng tốt

Tôi luôn khuyên rằng chúng ta nên tiết kiệm. Nhưng tiết kiệm không có nghĩa là hà khắc với bản thân mình. Việc tiết kiệm quá đà sẽ không được xem là thông minh tài chính.

Chúng ta chỉ nên tiết kiệm 2 đồng trong tổng 10 đồng mà ta kiếm được, chứ đừng kiếm được 10 đồng, mà tiết kiệm 7-8 đồng. Nói như thế có nghĩa là, khoản bạn bỏ ra cho tiết kiệm nên là một con số hợp lý so với tổng thu nhập của bạn, chứ đừng biến tiết kiệm thành một nỗi ám ảnh mà không dám tiêu xài những thứ cần thiết cho bản thân mình.

Hãy nghĩ về khoản tiền tiết kiệm của bạn. Bạn không thể mang chúng vào két sắt và nơm nớp lo lắng về chúng mỗi ngày. Thực tế, chúng ta sẽ chọn cách gửi tiền vào một ngân hàng uy tín với mức lãi suất tương đối. Điều đó có nghĩa, bạn chấp nhận cho ngân hàng vay tiền của mình với mức lãi suất theo thời gian cố định. Ngân hàng sẽ dùng số tiền gửi của bạn để cho người khác vay lại với mức lãi suất cao hơn. Vậy là, số tiền mà bạn đang cố gắng tiết kiệm kia, lại trở mình một nguồn đẻ ra tiền cho một đối tượng khác.

Đó là lý do tôi khuyên các bạn chỉ nên tiết kiệm 2/10 và phân bổ khoản còn lại cho những hạng mục khác. Đừng để chúng nằm yên bất động.

  1. Đừng tiêu nhiều hơn số tiền bạn kiếm được

“An toàn tài chính không phải là có đủ tiền mua đồ, mà là học cách sống với ít hơn số bạn kiếm được” (Dave Ramsey).

Tôi quan sát nhiều người có thói quen mua sắm vô tội vạ với nguồn thu nhập ít ỏi. Mua sắm gần như đã trở thành một căn bệnh. Họ thậm chí còn chấp nhận vay nợ để thỏa mãn nhu cầu mua sắm.

Mua sắm là một con dao hai lưỡi. Một loại, mua sắm góp phần mang đến sự phồn vinh cho một nền kinh tế, mặc khác việc này lại có khả năng biến bạn thành một “con nghiện” nếu bạn không kiểm soát được hành vi của mình.

Lời khuyên của tôi là, hãy biết rõ khả năng tài chính của mình và nên tính toán một khoản chi phù hợp cho việc mua sắm. Biết được thứ bạn thật sự cần và đừng chỉ mua sắm theo cảm xúc.

  1. Hãy bắt đầu nghĩ đến việc kinh doanh

Kể cả khi bạn đang làm thuê cho một môi trường tốt với mức thu nhập cao, thì cũng hãy nghĩ đến việc kinh doanh. Bởi chừng nào bạn còn đi làm thuê, thì chừng đó bạn còn giúp cho người khác làm giàu, bạn phụ thuộc thu nhập của mình vào thời gian, sức khỏe và khả năng kiếm tiền của bạn.

Dù bạn đang hoạt động trong lĩnh vực gì, hãy cần thiết nghĩ đến việc kinh doanh ngay từ bây giờ. Tiếp tục thực hiện công việc hiện tại của bạn và dành một khoản tiền để đầu tư vào kinh doanh. Đến một thời điểm khi việc kinh doanh đã tiến triển tốt và đảm bảo cho cuộc sống của bạn, bạn hoàn toàn có thể nghĩ đến việc dừng lại công việc làm thuê và bắt đầu làm chủ.

  1. Sự đánh đổi

Trong cuốn sách Cha giàu Cha nghèo (Robert Kiyosaki), tác giả chia sẻ rằng ông đã từ bỏ những buổi bóng chày- niềm đam mê của mình, để làm việc cho Cha giàu ở cửa hàng của Cha giàu với mức lương 0 đồng.

Chúng ta đều có ước mơ và mong muốn sự thành công, nhưng không phải ai trong chúng ta cũng sẵn sàng đánh đổi những thú vui, sở thích của mình để dành thời gian đó cho những mục tiêu lớn hơn.

“Muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được, thì phải chịu được những cảm giác không ai chịu được” (Sơn Tùng M-TP).

Còn bạn, bạn sẵn sàng đánh đổi những gì cho ước mơ của mình?

  1. Quy tắc 50/30/20 hoặc 6 chiếc hũ

Quy tắc 50/30/20 cho rằng: 50% thu nhập của bạn sẽ dành cho các nhu cầu thiết yếu (ăn ở, đi lại, các hóa đơn sinh hoạt phí,..); 30% thu nhập sẽ dành cho các khoản chi mong muốn (mua sắm quần áo, du lịch, xem phim,…); 20% thu nhập còn lại sẽ dành cho tiết kiệm, đầu tư.

Trong khi quy tắc 6 chiếc hũ lại chia các khoản thu nhập thành các khoản chi cụ thể hơn: 55% thu nhập dành cho nhu cầu thiết yếu; 10% cho tiết kiệm dài hạn; 10% cho giáo dục, phát triển bản thân; 10% hưởng thụ; 10% cho đầu tư kỳ vọng với tự do tài chính; và 5% cuối cùng là khoản chi từ thiện.

Các bạn có thể  hiểu rõ về hai nguyên tắc này cũng như ưu, nhược điểm của chúng thông qua bài viết 02 quy tắc “vàng” trong quản lý chi tiêu giúp bạn không bao giờ “rỗng túi” tôi đã từng chia sẻ. Lời khuyên của tôi là, dù bạn có lựa chọn áp dụng phương pháp nào, hãy nên tùy chỉnh cho chúng phù hợp với bản thân của bạn chứ đừng áp dụng một cách máy móc.

Giả dụ như, nếu thu nhập của bạn là 10 triệu/tháng, việc bạn dành khoảng 50% (tức 5 triệu) cho khoản chi các nhu cầu thiết yếu là hợp lý. Nhưng nếu thu nhập của bạn là 100 triệu/tháng, việc dành ra 50% cho khoản chi thiết yếu này là không cần thiết, mà thay vào đó, việc chi nhiều tiền hơn cho giáo dục và đầu tư sẽ là một lựa chọn không tồi.

Trên đây là những chia sẻ của tôi về 06 tư duy cơ bản bạn cần biết trong quản lý tài chính. Những tư duy này chỉ thực sự giúp ích cho bạn nếu bạn áp dụng chúng vào việc kiếm tiền và chi tiêu của cá nhân mình

Nếu bạn thấy thích bài viết này, đừng quên để lại một comment để tôi có động lực tiếp tục chia sẻ những thông tin hữu ích tiếp theo.

Bạn có thể tìm thấy Eroca Thanh qua các kênh:

Facebook: https://www.facebook.com/ErocaThanhProfile

Fanpage: https://www.facebook.com/erocathanhoffical/

Website: https://www.erocathanh.com/

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCmiuNkxvJpRrzOZ9BLe0rfQ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *